Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Phố Phái ( suu tam ).








Bùi Xuân Phái
1/9/1920 - 24/6/1988


Bùi Xuân Phái là một trong những hoạ sĩ lớn của Việt Nam. Ông người làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, tỉnh Hà Đông. Sinh ra tại Hà Nội và trưởng thành từ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946), ông được mọi người biết đến nhiều nhất với các tranh sơn dầu vừa và nhỏ về đề tài phố cổ Hà Nội. Bên cạnh các tác phẩm về Hà Nội, ông còn vẽ tranh về nghệ thuật Chèo, chân dung, tự hoạ, tĩnh vật, phong cảnh và con người trong cuộc sống đời thường. Ông còn sáng tác nhiều tranh khoả thân và tranh trừu tượng. Ông cũng đã từng tham gia vẽ tranh minh hoạ cho nhiều sách và tạp chí. Nhiều người đã so sánh ông với các hoạ sỹ theo trường phái hội hoạ Paris như Derain, Utrillo, Marquet, hay Soutine. Phong cách của ông đã để lại ảnh hưởng trong nhiều tác phẩm của các hoạ sỹ đương đại.

Bùi Xuân Phái vào học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương do thực dân Pháp thành lập năm 1925. Trong suốt năm đầu tiên của khoá học, chỉ kỹ thuật vẽ và điêu khắc đuợc giảng dạy. Trong các năm tiếp theo, các kỹ thuật vẽ truyền thống như vẽ tranh sơn dầu và tranh lụa mới được thêm vào trong chương trình. Đuợc giáo dục trong những năm cuối của chế độ thực dân Pháp, ông đã thể hiện Hà Nội trên tranh với những nét pha trộn của văn hoá Á Đông và những ảnh hưởng của chế độ thực dân. Tranh của ông có nhiều đường nét đơn giản, nhưng đằng sau những đường nét ấy là nhiều tâm tư sâu lắng từ tâm hồn ông.

Khi ông tốt nghiệp, nền hội hoạ thế giới đang ở thời kỳ hậu chiến với nhiều đặc trưng so với các thời kỳ khác. Châu Âu trở thành cái nôi của chủ nghĩa trừu tượng trữ tình. Chủ nghĩa biểu hiện phát triển mạnh ở Mỹ. Tài năng của các tên tuổi lớn như Picasso, Mastisse, Leger cũng đã đuợc công nhận. Tất cả những thay đổi ấy đã ảnh hưởng tới ông, được cảm nhận qua con tim của người hoạ sĩ và thể hiện ra trên những tác phẩm của mình. Ông luôn gắng đi tìm không gian riêng cho mình trong những khuôn khổ, ràng buộc của xã hội. Phong cách của ông, như mạch nước ngầm, lan xa và rộng. Chủ nghĩa biểu hiện, phong cách trữ tình pha trộn với nét hoài cổ đã quyến rũ nhiều người yêu hội hoạ trong và ngoài nước đến với tranh ông. Ít hoạ sỹ Việt Nam nào dành được nhiều ưu ái từ người xem đến vậy.

Sự thể hiện bề mặt của tranh ông được so sánh với Marquet và chiều sâu trong các tranh về phố Hà Nội làm người ta nhớ đến Mondrian và Klee. Tuy vậy, tâm hồn và phong cách của ông, như được thấy trong các bức tự họa, lại có dáng dấp của Van Gogh. Nhiều tranh của ông vẽ một người đàn ông với đôi mắt buồn và hoảng hốt, như dấu vết của một quá khứ đằng đẵng trong buồn khổ. Cũng như Van Gogh, ông mất đi truớc khi tài năng của mình đuợc công nhận. Ông đã sống một cuộc đời nghèo khổ. Tài năng của ông không được phát hiện bởi xã hội đương thời. Và chỉ sau khi ông mất, các tác phẩm của ông mới được biết đến và đã gây tiếng vang lớn. Thế giới quan của ông bao trùm bởi những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và Mỹ. Và cũng chính chiến tranh và hệ tư tưởng trong thời chiến đã để lại những hạn chế trong phong cách của ông. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn về vật chất. Thiếu vật liệu vẽ, ông phải tận dụng mọi vật liệu như các thư cũ, báo hay bao thuốc lá để vẽ.

Đêm ngày 23 tháng 6 năm 1988, ông đã vẽ một bức tự hoạ nhỏ và ghi đề : "Bây giờ chỉ cần nhất là sức khoẻ và không có bệnh gì". Bảy tiếng sau, ông đã qua đời bởi căn bệnh ung thư phổi.

Ông mất đi mà không được tận hưởng những thành công của mình. Thế giới của ông chỉ thu hẹp ở Hà Nội, nơi ông đã sống cả cuộc đời mình, nơi có những ngôi nhà kiến trúc kiểu thực dân với vôi vàng và cửa chớp xanh, xích lô, và quán cà phê Mai - nơi ông thường bàn luận về nghệ thuật và vẽ các phác hoạ trong khi nhấm nháp cà phê đặc.

Hoạ sĩ Việt Hải kể : vào những năm 50, trong một buổi họp phê và tự phê,Bùi Xuân Phái đã nói : "Tôi nghĩ là tôi có tài". Câu nói đó đã gây ấn tượng cho Việt Hải. Về sau Việt Hải có nhắc lại câu đó và hỏi : "Nếu bây giờ phải tự nhận xét về mình ông sẽ nói thế nào ?" Bùi Xuân Phái trả lời : "Tôi ngờ là tôi có tài".

Cũng như các họa sĩ đích thực khác, ông luôn cảm thấy rõ tính chất "nghiệp" hơn là tính chất "nghề" của nghệ thuật. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông phải làm nhiều việc khác ngoài vẽ để sinh nhai như dạy học, minh hoạ báo, vẽ thiết kế cho các đoàn kịch... song bất cứ ở đâu, ông cũng ưu tiên cho hội họa. Với những quan điểm thực tế hơn là một ý tưởng viển vông, ông mong không nên để Nghệ sĩ nghèo khổ quá lâu, mong có sơn dầu tốt, tấm toan lành để vẽ và có xưởng vẽ bề bộn. Khi những thứ tưởng chừng bình thường đó cũng không dễ có thì ông tự nhủ và nhắc các hoạ sĩ tối thiểu cần có một cây bút chì, một tờ giấy bất kỳ và luôn vẽ bằng đầu. Trong sáng tạo nghệ thuật ông luôn dành thời gian cho sự quan sát tự nhiên, ghi chép cẩn thận và đầy đủ, nắm bắt thực tế rồi vượt qua nó, khái quát và trừu tượng hóa nó, để nâng một hiình ảnh thị giác lên đến mức ý tuởng.

Nghệ thuật là gì ? là điều ông luôn trăn trở. Hàng trăm điều ông viết dường như không dòng nào không liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến nghệ thuật. Bằng cách này hay cách khác, ông phát hiện ra những giá trị giả của nghệ thuật, những hội hoạ "moderne" xu thời, sự quá tay của vài hoạ sĩ tỏ ra lão luyện, dùng nhiều xảo thuật trong nghệ thuật. Ông liên tục quan sát tự nghiên, so sánh nó với cách thể hiện, thường xuyên xem tranh tìm chỗ thái quá bất cập của đồng nghiệp để tự rút kinh nghiệm cho mình.

Truyền thống văn hoá ẩm thực ( theo Nguyễn Du Tử - Gia đình - Xã hội)

Bây giờ thì đã có khá nhiều địa danh đã thuộc về các quận nội thành (chủ yếu là quận Hai Bà Trưng), nhưng trước đây, toàn bộ vùng đất nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, ở phần cuối thấp dần theo chiều tây bắc - đông nam của Hà Nội đều thuộc địa giới huyện Thanh Trì. Sông Hồng ở phía đông, sông Nhuệ ở phía tây, sông Kim Ngưu ở phía bắc, ở giữa có sông Tô, sông Sét, sông Lừ - vùng đất gọi là Thanh Trì thuở ấy tạo thành một "tứ giác nước" của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Có lẽ vì vùng đất ấy có ưu thế về nước - vốn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp - nên ở Thanh Trì, những giống cây trồng, vật nuôi được chọn lọc qua nhiều đời, hợp với thuỷ thổ nơi đây tạo nên phong vị riêng, là nguyên liệu để tạo nên những nét đặc sắc trong truyền thống văn hoá ẩm thực:

Lủ Trung gạo trắng nước trong
Ai về Kẻ Lủ thong dong con người
Muốn ăn chiêm quýt, mùa ri (2 loại gạo ngon)
Ðem con mà gả nhân nghì Huỳnh Cung(thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp)
Rau muống Ðồng Lầm, cá rô Ðầm Sét
Thanh Trì có bánh cuốn ngon, có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng
Ớt cay là ớt Định Công
Nhãn ngon là loại nhãn lồng làng Quang (Thanh Liệt)

Người "sành" ẩm thực chắc khó có thể quên được những món đặc sản nổi tiếng gắn liền với những địa danh của vùng đất này: làng Thanh Trì làm bánh cuốn; làng Mai Ðộng làm đậu phụ; làng yên Ngưu nấu rượu; làng Tứ Kỳ làm bún; làng Lủ (Kim Lũ) làm kẹo; làng Tương Mai nấu xôi lúa; làng Pháp Vân nấu bún ốc; làng Tó (Tả Thanh Oai) làm miến, bánh đa; làng Quỳnh Lôi có mướp hương; làng Hoàng Mai có cà pháo; làng Bằng, làng Quang (Thanh Liệt) có vải, nhãn, dưa; làng Ðịnh Công có ớt; cửa ô Ðông Lầm (Kim Liên ngày nay) có rau muống; Ðầm Sét (Thịnh Liệt), Yên Sở (Yên Duyên-Mui và Sở Thượng-Lờ) có cá rô, cá chép...

(trích)

HOA SỮA (theo Nguyễn Văn Lục - Hà Nội Mới)

Hoa sữa không biết được du nhập vào Hà Nội từ bao giờ, cây cao, dáng đẹp, thân mốc thếch, cao tới gần 20m, cành đan xen khúc khuỷu. Khác với nhiều loại cây, lá cây hoa sữa phát triển từng đốt, mỗi đốt thường xoè ra từ 6-7 lá, giống như lá cây ngũ gia bì nhưng to hơn. Từ những đốt cành nảy ra những nhánh nhỏ vươn về mọi phía, làm cho tán cây luôn xanh mướt, bấm vào cành non thấy chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa, phải chăng vì thế mà dân gian gọi là cây sữa. Cùng với hoa dạ lan, nhài, trà mi, nguyệt quế... hương hoa sữa chỉ thơm về đêm.

Cây hoa sữa không có mùa trút lá, chỉ lác đác rụng lá vàng, nên suốt năm cây luôn xanh tốt. Hoa sữa nở vào độ cuối thu đầu đông, những cụm hoa nhỏ xíu chen chúc từng đám mầu trắng phớt. Ðộ hoa nở, những ngày lặng gió, không gian xung quanh như được ướp bằng mùi hương hắc thơm ngào ngạt, một mùi hương như mơ như thực, bởi hoa nở trên cao không nhìn thấy, còn cái mùi hương nồng nàn quyến rũ ấy cứ lan xa, dưới gốc cây rơi rắc những chấm hoa nho nhỏ, như tấm voan mỏng mịn màng còn phảng phất mùi hương.

Nhưng không hiểu sao, hễ nói về hoa sữa, người ta vẫn nhớ về con đường Nguyễn Du, nơi ấy có không gian tĩnh lặng, có hồ nước lung linh khiêm nhường mà thơ mộng. Những đêm đầu đông, trong sương giăng lành lạnh, ngồi bên bồ Thiền Quang dù ở bờ bên kia, vẫn ngửi thấy mùi hoa sữa. Nhiều lứa đôi thường đến đây dạo bước dưới hàng cây sữa, phải chăng bởi hoa sữa thơ mộng dễ khắc vào nỗi nhớ kỷ niệm tình yêu?

Ngược đường Thuỵ Khê theo tàu điện về chợ Bưởi ngày xưa cũng có nhiều cây hoa sữa. Mới cách đây gần 30 năm, ngồi trên toa xe điện vào những đêm đông, suốt đoạn đường vẫn ngửi thấy hương sữa, giờ đây đoạn đường này chỉ còn lại 5 cây, dọc đường hầu hết được trồng dâu da xoan. Kể ra, cây dâu da xoan cũng đẹp, rất dễ trồng, lá xanh mướt, mùa xuân, mùa hè hoa nở trắng có mùi thơm dịu nhẹ, dưới nắng vàng những chùm quả cũng lung linh đỏ rực. Nhưng cây rất thấp, không thể nào sánh được với hoa sữa. Vì sao cây hoa sữa ở đoạn này lại ít đi? Tìm hiểu thì được biết một số người thiếu ý thức thấy cây sữa mọc trước nhà, hoa toả hương họ chê là hắc, nên tìm cách hạ đi.

Mấy năm gần đây, chừng như người ta cũng bắt đầu thấy được giá trị của hình tượng hương hoa sữa với phố phường Hà Nội, nên một số phố được trồng thêm rất nhiều cây sữa.

Hoa sữa trên đường phố Hà Nội từ lâu đã đi vào kỷ niệm của người Thủ đô và những khách xa về thăm Hà Nội. Hoa sữa cũng đi vào nhạc, vào thơ, đã làm xốn xang bao tâm hồn trẻ, ai không khỏi bâng khuâng khi nghe câu hát "Em ơi Hà Nội phó, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa"... Hương hoa sữa ở đây như gắn với tình yêu và phố phường Hà Nội. Rồi "hoa sữa thôi rơi, em bên tôi những chiều tan lớp" như nỗi niềm luyến tiếc mùa hoa sữa đã qua gợi bao kỷ niệm. Và nhiều lắm, có biết bao bài văn, bài thơ viết về hoa sữa, cây hoa sữa đã tôn thêm biết bao thơ mộng cho Hà Nội những mùa đông.

Tôi yêu Hà Nội, tôi yêu những đêm đầu đông không gian lành lạnh sực nức mùi hoa sữa, tôi ước mong có nhiều đường phố Hà Nội được trồng thêm nhiều cây sữa, một loại hoa không đẹp nhưng ngát hương, và chẳng thể nào quên với những người đi xa. Hoa sữa quả là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của chúng ta.

KHÉO TAY NGHỀ, ĐẤT LỀ KẺ CHỢ ( suu tam ).

Người Hà Nội đang tìm về điểm xuất phát của mình ở chính cái tên "Hà Nội ba mươi sáu phố phường". Buôn có bạn, bán có phường. Ba mươi sáu phố phường xưa chính là nơi tụ hội của người Kẻ Chợ có cùng một nghề nghiệp, một năng khiếu làm ăn. Vào thế kỷ 17 - 18, các phường nghề phát triển khá nhanh, nhất là các nghề thủ công mỹ nghệ. Triều đình Lê - Trịnh muốn tu bổ hoàng thành đã tuyển mộ những người thợ tài hoa khắp đất nước về Thăng Long, họ ở lại sinh sống và hành nghề trên các phường phố: thợ kim hoàn phố Hàng Bạc, thợ Khảm phố Hàng Khay, thợ thêu phố Hàng Trống... Cùng với những phường thợ là sự ra đời của các sản phẩm, có những phố bán riêng từng thứ: Hàng Ðào bán tơ lụa. Bát Sứ bán đồ sành sứ... làm cho Hà Nội sáng rực trăm màu: phố Hàng Ðồng lấp lánh ánh vàng, phố Hàng Tranh màu sắc vui tươi sặc sỡ...

Bàn tay vàng của người Kẻ Chợ được khẳng định bằng câu ngạn ngữ:

Ngát thơm hoa sói, hoa nhài
Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ

Một số nghề có tên tuổi nổi tiếng tồn tại đến ngày nay. Nghề gốm Bát Tràng có từ thời Lý. Nghề làm giấy đỏ vùng Bưởi xưa là sản phẩm riêng của đất kinh kỳ cung cấp giấy cho cả nước, nay vẫn là đặc sản có tính nghệ thuật của Hà Nội dùng để in tranh tết, in truyện Kiều. Hàng dệt tơ tằm vùng Bưởi (Trích Sài, Bái Ân, Yên Thái, Nghĩa Ðô) nổi tiếng ngay từ buổi đầu xây dựng Thăng Long.

Thế kỷ 17 định hình những trung tâm dệt lớn: Nghi Tàm, Thuỵ Chương, Làng Bùng, Vạn Phúc, La Khê, La Cả, Ðại Mỗ...

góp phần làm nên sự phồn vinh của Kẻ Chợ và bán hàng dệt cho các lái buôn phương Tây. Lê Quý Ðôn khẳng định đất nước ta thuộc xứ nóng, nuôi tằm nhiều hơn xứ khác, một năm 8 lứa, tổ tiên ta tìm ra 8 loại tằm, mỗi loại thích nghi với khí hậu một số tháng nhất định. Vùng Tam Giang có nhiều bãi trồng dâu rất tốt, dân lại có tài dệt lụa, chồi, lĩnh... Nhân dân Kẻ Chợ ca tụng sự phong lưu, thành thạo của nghề tầm tang:

Làm ra đủ các thứ hàng
Hàng đơn, hàng kép dọc ngang tinh tường
Lượt, là, lĩnh, lụa, khuyến, lương
Quế, vân, gấm, vóc, băng, sa, kỳ, cầu

Nghề thêu phát triển từ đời Lý đến nay còn làm mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Nghề kim hoàn, đúc đồng, chạm khảm, đan lát, mây tre... ngày nay đang có nhiều mặt hàng được bạn bè thế giới ưa chuộng.

Những nghề được truyền từ nhiều đời, được luyện từ tấm bé ấy đã tạo ra một nền kinh tế phồn vinh làm nên cuộc sống no đủ của người Hà Nội, hình thành nếp sống người Hà Nội thanh lịch trong cách ăn chơi, giao tiếp. Các món ăn Kẻ Chợ cũng trở thành những nghề truyền thống với những cái tên chẳng phai mờ: bún sen Tứ Kỳ, bún Phú Ðô, bánh cuốn Thanh Trì, gạo dự Mễ Trì, giò chả Ước Lễ, cốm Vòng, bánh cốm Hàng Than...

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường - THẠCH LAM (trích)

Hàng Mứt Hàng Đường Hàng Muối Trắng Tinh.

Hà Nội đã thay đổi nhiều lắm. Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bậc như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo, đã nhường chổ cho những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng. Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh. Khi ông cầm lái chiếc ô tô thì ông lấy làm dễ chịu vì đường rộng, vì phố thẳng lắm. Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp, thì phố xá mới không có thú vị gì. Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa.

Chỉ còn một vài cái ngõ con ... ngõ Phất Lộc, ngõ Trung Yên ... mấy ngọn cỏ trên mảnh tường cổng ô Quan Chưởng, là gợi dấu vết của Hà Nội cũ. Ngày ấy, đường hẹp, chắc hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau thân mật hơn. Người cùng hàng phố tự coi như có một liên lạc cùng nhau. Bên này một cửa hàng tạp hoá có đầy đủ quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút nho, có cô hàng thuỳ mị mà hàng phố vẫn khen là gái đảm đang. Bên kia, nhà một ông cụ Tú, có tiếng trẻ học vang, có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ.

Những nhà cũ của ta có một lối kiến trúc riêng. Ở các phố Hà Nội hiện giờ, thỉnh thỏang cũng còn được một vài nhà. Giữa nhà, mảnh sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá vàng, có dãy chậu lan, có bể đựng nước, và trên tường có câu đối chữ nho. Đôi khi đi qua, một cánh cửa hé mở, chúng ta được thoáng nhìn vào; bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng một ông cụ giàcúi mình trên cây cảnh. Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ.

Không còn gì của Hà Nội ngoài năm sáu mươi năm trở về trước. Thăng Long của vua Lê, của chúa Trịnh không còn dấu vết nào: đâu còn những cung điện ngày xưa, những phụ đế của các bậc công hầu khanh tướng? Thỉnh thỏang một vài tên gọi còn nhắc lại, một vài đống đất còn ghi dấu, thế thôi. Chúng ta không biết được mấy về dĩ vãng, về cảnh phố xá kinh kỳ hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một bồ thuốc, đi từ Bát Tràng đến Hồ Tây để chữa cho hoàng tử.

Trong một bài báo, tôi đã nói (Hà Nội XVII ẻ sìecle) rằng cái "nghệ thuật biển hàng" ở Hà Nội đã mất. Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì hơn không chỉ là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ gì liền với cơ nghiệp và số vận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện của những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng. Đề biển phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi có tiếng, và người ta thận trọng giữ gìn như một thứ của gia bảo ở những cái biển cũ đã tróc sơn, mà gió mưa bao nhiêu năm đã làm lạt cả vàng son, những nét chữ mạnh mẽ và rắn rỏi vẫn còn như nguyên mới. Tôi không khỏi bao giờ đi qua không dừng bước lại ngắm ngía ba chữ đại. "Vạn Thảo Đường" trên cái biển cũ kỹ của hiệu thuốc ấy ở đầu phố Hàng Đường.

Ba chữ "Đông Hưng Viên" cũng sắc nét và còn mới hơn. Ngày trước còn mấy chữ "Cộng Hòa Đường" viết bằng son đỏ tươi, lối nửa chân nửa lệ, chữ bay bướm, trông đến thích cả mắt.

Nhưng bây giờ người ta đã xóa đi để thay vào bắng lối chữ "vuông tân thời" trong các quảng cáo ở báo Tàu hay bằng những chữ điện tím hoa cà, xanh lá mạ đêm đêm sáng ngời một góc trời. Tất cả cái gì cũng thay mới người ta không những thấy có biển hàng, người ta thấy cả bề mặt cái cửa hàng nữa. Và sự thay đổi bề ngoài ấy đem đến cho phố xá Hà Nội một vẻ mới riêng, hơi lạ lùng và đột ngột.

Trong đêm khuya, chúng ta thử dạo chơi các phố, lúc đó không bị những ánh sáng và thức hàng làm lóe mắt. Lúc đó những cửa hàng mới mẻ đã đóng cả, và cái phố với căn nhà đều phô bày vẻ thật. Các nhà chỉ thay đổi có phía dưới sự thay đổi ít khi lên đến tầng trên. Và bây giờ, nếu người ta có phép gì cắt bỏ các tầng dưới và đặt các tầng trên xuống đất, chúng ta sẽ có một hàng phố cũ kỹ với những hàng bát quái, mảnh gương và dơi bay một phố từa tựa như phố của kinh kỳ xưa, chắc thế.

Có một bạn nào trông coi về vẻ đẹp của thành phố Hà Nội không? Hình như có thì phải, tuy rằng bạn đó không thấy làm cho người ta nói đến mình. Nhưng cái đó không hề gì, miễn là bạn đó cứ làm việc là đủ.

Ngày trước, ở trước cửa phủ toàn quyền, còn có một nhóm tường mà người ta đã phá đi rồi, cách đây đâu mười năm gì đó. Nhóm tường đó trông xa giống như mâm xôi; ở đỉnh có những hình thù gì, tôi không nhớ, nhưng ở phía dưới, có tượng hai người đàn bà nằm choài ra như bơi, tóc buông xõa và lẩn mình vào thành bể. Hai người đàn bà đó người ta bảo là hình dung hai con sông Nhị Hà và Mêkông.

Chúng ta tưởng tượng phong cảnh hồ Hoàn Kiếm với cái mâm xôi bằng đá lù lù ấy. May thay không biết có ai phản đối, người ta bỏ cái dự định ấy, và đem nhóm tường dựng ở trước cửa phủ Toàn quyền, để rồi sau đó ít lâu phá đi.

Sự phản đối ít lợi ấy có lẽ là công việc của ủy ban coi về vẻ đẹp của thành phố hẳn?

Sau đó ít lâu, một dạo, ngay bên cổng của đền Ngọc Sơn, chúng ta được trông thấy đứng sừng sững và thẳng tấp một cái cột dây điện chằng chịt và cả đèn điện với những cái "bình tích" bằng sứ trắng, khiến cho cái cột sắt sơn hắc ín đó như một thứ cây già mọi rợ vụng về. Cái cây đó làm cho vẻ đẹp của cổng đền Ngọc Sơn giảm mất đến chín phần mười.

Nhưng lại may thay, cũng cách sau ít lâu, cái cột đó không còn nữa. Công việc của ủy ban kia chắc thôi.

Sau đó ít lâu nữa, cảnh đền Ngọc Sơn lại chịu phải một sự thêm thắt xấu xa khác.

Có lẽ theo lời yêu cầu của những ai trông nom cái đền đó, người ta đã cho bắc suốt từ ngoài cổng, qua đầu, vào đến trong đền, những vòng sắt nền, có những đường uốn lượn ngoằn ngoèo, cũng sơn hắc ín, và để mắc đèn.

Mắc đèn cho sáng, cho tiện những người đi lễ đền. Một ý tốt, rất tốt. Nhưng sao lại phải trả bằng một cách bôi nhọ vẻ đẹp của đền thế? Muốn sáng cổng và sáng cầu thì thiếu gì cách: mắc đèn vào những chỗ lõm khuất khúc của cổng và của cầu: đèn để như thế vừa được kín đáo, vừa không làm giảm vẻ đẹp, không kể cái lối ánh sáng đập lại ấy dịu dàng và làm tôn cảnh đền hơn lên.

Đằng này, mắc những võng sắt với cánh hoa hoét rẻ tiền kia vào cái cổng đẹp đẽ có lối kiến trúc riêng, có vẻ cổ sơ ấy, thực là một cách đập phá mỹ thuật tai hại không gì bằng.

Cho cả đến ba chữ "Ngọc Sơn Tự" bằng sắt dán trên một tấm lưới cũng sắt, và có hoa lá cũng sắt nốt, cả cái biển ấy cũng chướng mắt không kém.

Những thanh sắt ấy ở đó cũng khá lâu rồi thì phải, mà chưa thấy cái ủy ban nào đó nếu ủy ban ấy có làm việc gì cả. Việc thì rất giản dị: nghĩa là bỏ những cái đó là xong.

Dạo này, người ta đã xây nhiều bóp cảnh sát phụ ở lác đác khắp Hà Nội, Yên Phụ, Cửa Nam, Bờ Hồ, Quan Thánh ...

Kiểu bóp như là một cái hòm vuông bốn góc thẳng cạnh, có cửa vào (tất nhiên) và cửa sổ. Việc xây các bóp ấy chắc là ít lợi nhiều cho việc trị an của thành phố. Chúng tôi xin cũng nhận thế. Và chỗ đặt bóp chắc cũng đã lựa chọn rất tiện lợi nữa.

Những bóp khác, chả nói làm gì. Duy chỉ có cái bóp ở Quan Thánh, là làm giảm mất vẻ đẹp của ngôi đền đẹp đẽ ấy.

Tuy rằng người ta đã cẩn thận cho cái bóp ấy đại để vẫn hình vuông một hình dáng muốn giống chùa chiền bằng cái mái cong cong, bằng vài cái trang điểm theo lối cũ. Nhưng mà cái chùa giả ấy trong đó thấy cảnh sát thay nhà sư không đánh lừa được ai hết, nhất là người yêu mỹ thuật, yêu Hà Nội, yêu cái vẻ cổ kính của đền chùa.

Chỉ quá một ít nữa, làm xa ra một tý nữa ở phía đường bên kia, hay ở ngay vườn hoa đầu đường Quan Thánh, vườn hoa Eckert nếu tôi không nhầm, thì có phải hay biết bao không. Gia chi dĩ, những đường vạch thẳng ngay ngắn của vườn hoa ấy lại hòa hợp với cái hình thù vuông vắn của nhà bóp lắm.

NHỮNG TÊN GỌI CỦA HÀ NỘI QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ ( Theo Tường Minh - Tạp chí Xưa và Nay )

THĂNG LONG - HÀ NỘI là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này từ trước khi trở thành kinh đô của nước Ðại Việt dưới triều Lý (1010) đã là đất đặt cơ sở trấn trị của quan lại thời kỳ nhà Tuỳ (581 - 618), Ðường (618 - 907) của phong kiến phương Bắc. Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long - Hà Nội có nhiều tên gọi, được chia thành hai loại: chính quy và không chính quy, theo thứ tự thời gian như sau:

Tên chính quy: Là những tên được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến, Nhà nước Việt Nam chính thức đặt ra:

Long Ðỗ: Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền nhà Ðường, vào năm 866 mới đắp thành Ðại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Ðỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Ðỗ. Thí dụ vào năm Quang Thái thứ 10 (1397) đời Trần Thuận Tông, Hồ Quý Ly có ý định cướp ngôi nhà Trần nên muốn dời kinh đô về đất An Tôn, phủ Thanh Hoá. Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Nguỵ dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Ðỗ có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị (tức sông Hồng ngày nay), núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi". Ðiều đó cho thấy, Long Ðỗ đã từng là tên gọi đất Hà Nội thời cổ.

Tống Bình: Tống Bình là tên trị sở của bọn đô hộ phương Bắc thời Tuỳ (581-618), Ðường (618 - 907). Trước đây, trị sở của chúng là ở vùng Long Biên (Bắc Ninh ngày nay). Tới đời Tuỳ chúng mới chuyển đến Tống Bình.

Ðại La: Ðại La hay Ðại La thành nguyên là tên vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy Kinh Ðô. Theo kiến trúc xưa, Kinh Ðô thường có "Tam trùng thành quách": Trong cùng là Tử Cấm thành (tức bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Ðại La thành. Năm 866 Cao Biền bồi đắp thêm Ðại La thành rộng hơn và vững chãi hơn trước. Từ đó, thành này được gọi là thành Ðại La. Thí dụ trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết năm 1010 có viết: "... Huống chi thành Ðại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất..." (Toàn thư, Tập I, H, 1993, tr 241).

Thăng Long (Rồng bay lên). Ðây là cái tên có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong số các tên của Hà Nội. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết lý do hình thành tên gọi này như sau: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Ðại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" (Toàn thư, Tập I, H, tr 241).

Ðông Ðô: Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Mùa hạ tháng 4 năm Ðinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương - TM) coi phủ đô hộ là Ðông Ðô" (Toàn thư Sđd - tr 192). Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích: "Ðông Ðô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Ðô, Thăng Long là Ðông Ðô" (Cương mục - Tập 2, H 1998, tr 700).

Ðông Quan: Ðây là tên gọi Thăng Long do quan quân nhà Minh đặt ra với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của Việt Nam, chỉ được ví là "cửa quan phía Ðông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Sử cũ cho biết, năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở thành Ðông Ðô, đổi tên thành Ðông Quan. Sách Ðại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 12 năm Mậu Tý (1408), Giản Ðịnh đế bảo các quân "Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch như sét đánh không kịp bưng tai, tiến đánh thành Ðông Quan thì chắc phá được chúng" (Toàn thư Sđd - Tập 2, tr224).

Ðông Kinh: Sách Ðại Việt sử ký toàn thư cho biết sự ra đời của cái tên này như sau: "Mùa hạ, tháng 4 năm Ðinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi - TM) từ điện tranh ở Bồ Ðề, vào đóng ở thành Ðông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Ðại Việt đóng đô ở Ðông Kinh. Ngày 15 vua lên ngôi ở Ðông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hoá có Tây Ðô, cho nên gọi thành Thăng Long là Ðông Kinh" (Toàn thư - Sđd. Tập 2, tr 293).

Bắc Thành: Ðời Tây Sơn (Nguyễn Huệ - Quang Trung 1787 - 1802 - TM). Vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (tức Huế - TM) nên gọi Thăng Long là Bắc thành"(Nguyễn Vinh Phúc - Trần Huy Bá - Ðường phố Hà Nội - H. 1979, tr 12).

Thăng Long: (Thịnh vượng lên). Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (tức Huế - TM), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyến làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ "Long" là Rồng thành chữ "Long" là Thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng" (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81).

Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805, sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại lớn rộng quá.

Hà Nội: Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội cho biết: "Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hoà, phủ Lý Nhân VÀ phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội". (Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà NỘI. H. 1960, TR 82).

Tên không chính quy: Là những tên trong văn thơ, ca dao, khẩu ngữ... dùng để chỉ thành Thăng Long - Hà Nội:

Trường An (Tràng An): Vốn là tên Kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của nước Trung Quốc: Tiền Hán (206 tr CN - 8 sau CN) và Ðường (618 - 907). Do đó, được các nhà nho Việt Nam xưa sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô. Từ đó cũng được người bình dân sử dụng nhiều trong ca dao, tục ngữ chỉ kinh đô Thăng Long.

Thí dụ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Rõ ràng chữ Tràng An ở đây là để chỉ kinh đô Thăng Long.

Phượng Thành (Phụng Thành):

Vào đầu thế kỷ XVI, ông Trạng Nguyễn Giản Thanh người Bắc Ninh có bài phú nôm rất nổi tiếng:

Phượng Thành xuân sắc phú
(Tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng).

Nội dung của bài phú trên là tả cảnh mùa xuân của Thăng Long đời Lê. Phụng thành hay Phượng thành được dùng trong văn học Việt Nam để chỉ thành Thăng Long.

Long Biên: Vốn là nơi quan lại nhà Hán, Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều (thế kỷ III, IV, V và VI) đóng trị sở của Giao Châu (tên nước Việt Nam thời đó). Sau đó, đôi khi cũng được dùng trong thơ văn để chỉ Thăng Long - Hà Nội. Sách Quốc triều đăng khoa lục có đoạn chép về tiểu sử Tam nguyên Trần Bích San (1838 - 1877); ghi lại bài thơ của vua Tự Ðức viếng ông, có hai câu đầu như sau:

Long Biên tài hướng Phượng thành hồi
Triệu đối do hi, vĩnh biệt thôi!

Dịch nghĩa:

Nhớ người vừa từ thành Long Biên về tới Phượng Thành.
Trẫm còn đang hy vọng triệu ngươi và triều bàn đối, bỗng vĩnh biệt ngay.

Thành Long Biên ở đây, vua Tự Ðức dùng để chỉ Hà Nội, bởi vì bấy giờ Trần Bích San đang lĩnh chức Tuần phủ Hà Nội. Năm 1877 vua Tự Ðức triệu ông về kinh đô Huế để sung chức sứ thần qua nước Pháp, chưa kịp đi thì mất.

Long Thành: Là tên viết tắt của Kinh thành Thăng Long. Nhà thơ thời Tây Sơn Ngô Ngọc Du, quê ở Hải Dương, từ nhỏ theo ông nội lên Thăng Long mở trường dạy học và làm thuốc. Ngô Ngọc Du là người được chứng kiến trận đại thắng quân Thanh ở Ðống Ða - Ngọc Hồi của vua Quang Trung. Sau chiến thắng xuân Kỷ Dậu (1789), Ngô Ngọc Du có viết bài Long thành quang phục kỷ thực (Ghi chép việc khôi phục Long thành).

Hà Thành: Là tên viết tắt của thành phố Hà Nội được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội. Thí dụ như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, bài Hà Thành thất thủ, tổng vịnh (khuyết danh), Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai?...

Hoàng Diệu: Ngay sau Cách mạng tháng Tám - 1945, đôi khi trong các báo chí của Việt Nam sử dụng tên này để chỉ Hà Nội.

Ngoài ra, trong cách nói dân gian, còn nhiều từ được dùng để chỉ Thăng Long - Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ - Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ), Thượng Kinh, tên này để nói đất kinh đô ở trên mọi nơi khác trong nước, dùng để chỉ kinh đô Thăng Long (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh). Kinh Kỳ, tên này nói đất có kinh đô đóng (Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến).

Và đôi khi chỉ dùng một từ kinh như "¡n Bắc, mặc Kinh". Bắc đây chỉ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), Kinh chỉ kinh đô Thăng Long.

Loại tên "không chính quy" của Thăng Long - Hà Nội còn nhiều được sử dụng khá linh hoạt trong văn học, ca dao... kể ra đây không hết được


Ý NGHĨA TÊN GỌI HÀ NỘI ( Theo "Hỏi Đáp - 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" - Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc )

Sau khi diệt triều Tây Sơn, vua Gia Long đã đổi phủ Phụng Thiên ( vốn là đất đai của kinh thành Thăng Long cũ ) thành phủ Hoài Đức và vẫn coi là một đơn vị trực thuộc ngang với trấn tức trực thuộc trung ương mà đại diện là Tổng trấn Bắc Thành. Đến năm Minh Mạng thứ 12 ( 1831 ) vị vua này tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn, xoá bỏ Bắc Thành ( gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc ) ở miền Bắc, chia cả nước ra làm 29 tỉnh trong đó có 15 tỉnh trực thuộc trung ương. Tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long, phủ Hoài Đức của trấn Tây Sơn, và ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam.

- phủ Hoài Đức gồm 3 huyện : Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm
- phủ Thường Tín gồm 3 huyện : Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên
- phủ Ứng Hoà gồm 4 huyện : Sơn Minh ( nay là Ứng Hòa ), Hoài An ( nay là phía nam Ứng Hòa và một phần Mỹ
Đức ), Chương Đức ( Nay là Chương Mỹ - Thanh Oai )
- phủ Lý Nhân gồm 5 huyện : Nam Xang ( nay là Lý Nhân ), Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục

Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ bấy giờ ( 1831 ).

Hà Nội có nghĩa là phía trong các con sông, vì tỉnh mới Hà Nội được bao bọc bởi 2 con sông : sông Hồng và sông Đáy. Như vậy tỉnh Hà Nội lúc đó gồm thành phố Hà Nội, nửa chính đông tỉnh Hà Tây ( chính là tỉnh Hà Tây thời Pháp thuộc ) và toàn bộ tỉnh Hà Nam. Như vậy rõ ràng tỉnh Hà Nội có đại bộ phận nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đáy.

Có người cho rằng chữ Hà Nội là lấy từ câu trong sách Mạnh Tử ( Thiên Lương Huệ Vương ) : "Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ tức ư Hà Nội" ( nghĩa là : Hà Nội bị tai hoạ thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội ). Nguyên ở Trung Quốc thời Mạnh Tử ( thế kỷ III tr.CN ) phía bắc sông Hoàng gọi là đất Hà Nội, phía Nam là Hà Ngoại. Vùng đất Hà Nội ấy nay ứng với tỉnh Hà Bắc. Lại do sông Hoàng khi tới địa đầu tỉnh Sơn Tây ngày nay thì chạy theo hướng Bắc - Nam, trở thành ranh giới giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Sơn Tây ở phía đông sông Hoàng nên thời cổ có tên là đất Hà Đông, còn Thiểm Tây là Hà Tây. Thực sự cũng có việc dùng câu sách Mạnh Tử nói trên, nhưng đó là trường hợp năm 1904 khi muốn đổi tên tỉnh Cầu Đơ cho khỏi nôm na, người ta mới dùng tên Hà Đông ( dựa vào tên Hà Nội đã có từ trước ).

Khu phố cổ Hà Nội ( theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia )


Thành cổ và phố cổ Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội là tên gọi thông thường của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô -Hà Nội.

Khu "Hà Nội 36 phố phường" là một cách gọi không chính xác của khu phố cổ, vì 36 phố phường là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài cả khu phố cổ.



Vị trí

Theo quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30 tháng 3 năm 1995 của Bộ Xây dựng, khu Phố cổ Hà nội có phạm vi được xác định: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu GỗHàng Thùng; phía Đông đường Trần Quang Khảiđường Trần Nhật Duật.

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Mặc dù các phố cổ của Hà Nội còn nằm cả bên ngoài khu vực này, nhưng do đây là khu vực tập trung phố cổ nhiều nhất và còn giữ được những đặc trưng nên chỉ khu vực theo quy định trên được gìn giữ, bảo tồn là khu phố cổ.


Lịch sử

Khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất này đã được hình thành từ thời Lý - Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Đầu đời đời Lê, trong sách Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến tên một số phường nghề tại đây. Dưới thời Lê, đặt phủ Phụng Thiên gồm hai huyện là Vĩnh Thuận và Thọ Xương, thì khu này nằm gọn trong bốn tổng Túc của huyện Thọ Xương là Tiền Túc, Hậu Túc, Tả Túc, Hữu Túc. Bên ngoài khu vực là vòng thành Đại La có trổ các cửa ô.

Thời Lê, giữa khu này có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Sông Tô Lịch nối với hào thành, các đầm hồ, thông với hồ Hoàn Kiếmsông Hồng cũng ở khu vực này. Đến cuối thế kỉ 19 thì các sông hồ đó hoàn toàn bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.

Thời Lý - Trần, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về khu vực này sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành. Đến đời Lê, dần dần đã có một số Hoa kiềubuôn bán ở đây, hình thành nên các khu phố Tàu.

Thời Pháp thuộc, sau khi lấp toàn bộ các đầm hồ, khu phố được chỉnh trang, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán. Hai chợ nhỏ được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân, Đường ray xe điện Bờ hồ - Thụy Khuê cũng chạy xuyên qua đây.

Cho đến nay, đây vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Tuyến phố đi bộ cũng được mở tại đây.


Các phố nghề

Phố Hàng Dầu

Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng.

Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, phố Thuốc Bắc, ... Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa, như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch...

  • Phố Hàng Mã ngày xưa chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, bao gồm tiền giấy âm phủ, vàng giấy âm phủ, sau mở rộng thêm các tượng giấy hình các quan, hình nhà cửa... để đốt cúng cho người âm. Ngày nay phố Hàng Mã tập trung nhộn nhịp vào các dịp lễ, tết Trung Thu, Nguyên Đán với các mặt hàng phong phú về đồ chơi. Ngoai ra, tại đây cũng là nơi bán các hàng trang trí phông màn đám cưới với các hình cắt cô dâu, chú rể làm tự bọt xốp nhiều màu sắc.
  • Liên quan đến phố Hàng Mã còn có phố Mã Mây. Phố này nguyên bao gồm hai phố xưa: phố Hàng Mã và phố Hàng Mây[1]. Đoạn phố Hàng Mây nằm giáp phố Hàng Buồm, trên bờsông Nhị, nơi tập trung thuyền bè miền ngược chở các mặt hàng lâm sản như song, mây, tre, nứa...
  • Phố Hàng Bạc do ông Lưu Xuân Tín được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình[2], kéo người trong họ hàng và nguời làng Trâu Khê (huyện Bình Giang - Hải Dương) ra đây mở phường đúc bạc, thành lập trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc.
  • Phố Hàng Đào là nơi buôn , bán vải vóc (chữ vải điều chỉ màu đỏ được đọc chệch thành chữ đào)
  • Phố Hàng Lược nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá, vốn là nơi có nhiều nhà buôn bán lược: lược gỗ, lược sừng và sau này là lược nhựa cất cho các cửa hàng xén bán cho các cô làm đồ trang điểm
  • Phố Hàng Chai không phải là nơi sản xuất, buôn bán chai lọ; phố này là một đoạn ngõ nhỏ nối phố Hàng Rươi và Hàng Cót, đây là nơi tập trung dân nghèo làm nghề "ve chai", chuyên thu lượm các đồ phế liệu, đồ bỏ (rác)
  • Phố Hàng Gà chạy từ phố Hàng Điếu đến phố Hàng Cót, vốn là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ gia cầm: , vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây...
  • Phố Hàng Chĩnh được người Pháp gọi là Rue des Vases (phố hàng Vại Chậu), vốn thông ra bờ sông, là bến đậu các thuyền chở vại, chậu bằng sành của làng Phù Lãng, nồi đất, chum vại, tiểu sành từ Hương Canh, bằng gốm từ Thổ Hà
  • Phố Hàng Đồngphố Bát Sứ thời thuộc Pháp có tên chung là Rue des Tasses (phố Hàng Chén). Đoạn Hàng Đồng và Hàng Mã trước thuộc thôn Yên Phú, có nghề gốc bán đồ đồng(chứ không phải đồ đồng nát) như mâm, nồi, đình, bát hương, lọ hoa, hạc thờ...


Nhà cổ

Nhà cổ phố Mã Mây

Một đặc trưng nữa của khu phố cổ là kiến trúc nhà cổ trong khu phố buôn bán. Những nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Những ngôi nhà này chủ yếu được dựng vào thế kỉ 18 - 19, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.

Thời kì toàn quốc kháng chiến, để tránh đụng độ trực tiếp với quân Pháp và lính Lê dương, người dân và Vệ quốc quân đã đục thông tường từ nhà này sang nhà khác. Khi cần người ta có thể đi từ đầu đến cuối phố qua những lỗ hổng giữa các ngôi nhà mà không cần phải xuống đường.

Từ cuối thế kỉ 20, các nhà cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là các ngôi nhà ống xây mới phá vỡ cảnh quan vốn có của phố cổ. Tuy vậy, bên trong các ngôi nhà vẫn là hệ thống đường đi chằng chịt.


Di tích

Cửa ô Quan Chưởng

Trong khu vực phố cổ có rất nhiều di tích lịch sử lâu đời, gồm đình, đền, chùa, hội quán.

  • Đình: mỗi phố nghề thường có một đình để thờ tổ nghề hoặc thành hoàng làng nguyên quán. Đình ở khu này đặc biệt là tầng dưới vẫn làm cửa hàng cho thuê, tầng trên mới làm nơi thờ cúng. Qua thời gian, các đình bị lấn chiếm nhiều, rất khó tìm ra dấu.
  • Hội quán: khi người Hoa đến buôn bán, đã lập ra hai hội quán: Hội quán Quảng Đông và Hội quán Phúc Kiến.

Tại khu vực khu phố cổ xưa kia có các cửa ô: ô Phúc Lâm, ô Thanh Hà (ô Quan Chưởng), ô Trừng Thanh, ô Mỹ Lộc. Hiện chỉ còn lại ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn.


Chợ

Chợ Đồng Xuân

Bên cạnh các phố nghề, khu phố cổ cũng có một số chợ để tập trung bán các loại hàng hóa phục vụ đời sống, như chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè.


Bảo tồn

Phạm vị nghiên cứu quy hoạch được phân chia hai khu vực bảo vệ, tôn tạo đặc trưng như sau:

  1. Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 1: Được giới hạn bởi các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm và Trần Nhật Duật (diện tích khoảng 19 ha).
  2. Khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp 2: Bao gồm phần còn lại trong ranh giới khu Phố Cổ.

Kiến trúc cổ của khu phố này là các ngôi nhà nhỏ bé với mái tranh hay mái ngói, thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác. Khu phố này cũng đã từng là đề tài của nhiều văn nghệ sĩ làm nên những giá trị văn hóa ngày nay của Hà Nội. Ngày nay nhiều khu phố đã xuống cấp, phải trùng tu để nâng cấp lại.


Ca dao

Cho đến cuối thập niên 1980, phố cổ còn được giữ gần như nguyên vẹn

Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm có ghi lại ca dao về 36 sáu phố ở Hà Nội như sau:

Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

Tên các phố cổ

Tên phố trong khu phố cổ đa số đầu tiên là chữ "Hàng", sau đó là tên sản phẩm. Bên cạnh đó có một số phố không theo quy tắc đó, và một số phố mới đặt sau này mang tên người.

Các phố có chữ "Hàng" trong khu phố cổ. Dấu ** tương ứng với những tên phố hiện không còn dùng.

Các phố không có chữ "Hàng" trong khu phố cổ

Thế kỷ XIX


Các phố có chữ "Hàng" nhưng không nằm trong khu phố cổ theo quy định

Các ngõ có chữ "Hàng"


Hội họa

Khu phố cổ Hà Nội đã đi vào tranh của một danh họa là Họa sĩ Bùi Xuân Phái, trở thành một trường phái hội họa của Việt Nam, được biết đến với tên là phố Phái.