Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Phố Phái ( suu tam ).








Bùi Xuân Phái
1/9/1920 - 24/6/1988


Bùi Xuân Phái là một trong những hoạ sĩ lớn của Việt Nam. Ông người làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, tỉnh Hà Đông. Sinh ra tại Hà Nội và trưởng thành từ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946), ông được mọi người biết đến nhiều nhất với các tranh sơn dầu vừa và nhỏ về đề tài phố cổ Hà Nội. Bên cạnh các tác phẩm về Hà Nội, ông còn vẽ tranh về nghệ thuật Chèo, chân dung, tự hoạ, tĩnh vật, phong cảnh và con người trong cuộc sống đời thường. Ông còn sáng tác nhiều tranh khoả thân và tranh trừu tượng. Ông cũng đã từng tham gia vẽ tranh minh hoạ cho nhiều sách và tạp chí. Nhiều người đã so sánh ông với các hoạ sỹ theo trường phái hội hoạ Paris như Derain, Utrillo, Marquet, hay Soutine. Phong cách của ông đã để lại ảnh hưởng trong nhiều tác phẩm của các hoạ sỹ đương đại.

Bùi Xuân Phái vào học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương do thực dân Pháp thành lập năm 1925. Trong suốt năm đầu tiên của khoá học, chỉ kỹ thuật vẽ và điêu khắc đuợc giảng dạy. Trong các năm tiếp theo, các kỹ thuật vẽ truyền thống như vẽ tranh sơn dầu và tranh lụa mới được thêm vào trong chương trình. Đuợc giáo dục trong những năm cuối của chế độ thực dân Pháp, ông đã thể hiện Hà Nội trên tranh với những nét pha trộn của văn hoá Á Đông và những ảnh hưởng của chế độ thực dân. Tranh của ông có nhiều đường nét đơn giản, nhưng đằng sau những đường nét ấy là nhiều tâm tư sâu lắng từ tâm hồn ông.

Khi ông tốt nghiệp, nền hội hoạ thế giới đang ở thời kỳ hậu chiến với nhiều đặc trưng so với các thời kỳ khác. Châu Âu trở thành cái nôi của chủ nghĩa trừu tượng trữ tình. Chủ nghĩa biểu hiện phát triển mạnh ở Mỹ. Tài năng của các tên tuổi lớn như Picasso, Mastisse, Leger cũng đã đuợc công nhận. Tất cả những thay đổi ấy đã ảnh hưởng tới ông, được cảm nhận qua con tim của người hoạ sĩ và thể hiện ra trên những tác phẩm của mình. Ông luôn gắng đi tìm không gian riêng cho mình trong những khuôn khổ, ràng buộc của xã hội. Phong cách của ông, như mạch nước ngầm, lan xa và rộng. Chủ nghĩa biểu hiện, phong cách trữ tình pha trộn với nét hoài cổ đã quyến rũ nhiều người yêu hội hoạ trong và ngoài nước đến với tranh ông. Ít hoạ sỹ Việt Nam nào dành được nhiều ưu ái từ người xem đến vậy.

Sự thể hiện bề mặt của tranh ông được so sánh với Marquet và chiều sâu trong các tranh về phố Hà Nội làm người ta nhớ đến Mondrian và Klee. Tuy vậy, tâm hồn và phong cách của ông, như được thấy trong các bức tự họa, lại có dáng dấp của Van Gogh. Nhiều tranh của ông vẽ một người đàn ông với đôi mắt buồn và hoảng hốt, như dấu vết của một quá khứ đằng đẵng trong buồn khổ. Cũng như Van Gogh, ông mất đi truớc khi tài năng của mình đuợc công nhận. Ông đã sống một cuộc đời nghèo khổ. Tài năng của ông không được phát hiện bởi xã hội đương thời. Và chỉ sau khi ông mất, các tác phẩm của ông mới được biết đến và đã gây tiếng vang lớn. Thế giới quan của ông bao trùm bởi những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và Mỹ. Và cũng chính chiến tranh và hệ tư tưởng trong thời chiến đã để lại những hạn chế trong phong cách của ông. Bên cạnh đó là sự thiếu thốn về vật chất. Thiếu vật liệu vẽ, ông phải tận dụng mọi vật liệu như các thư cũ, báo hay bao thuốc lá để vẽ.

Đêm ngày 23 tháng 6 năm 1988, ông đã vẽ một bức tự hoạ nhỏ và ghi đề : "Bây giờ chỉ cần nhất là sức khoẻ và không có bệnh gì". Bảy tiếng sau, ông đã qua đời bởi căn bệnh ung thư phổi.

Ông mất đi mà không được tận hưởng những thành công của mình. Thế giới của ông chỉ thu hẹp ở Hà Nội, nơi ông đã sống cả cuộc đời mình, nơi có những ngôi nhà kiến trúc kiểu thực dân với vôi vàng và cửa chớp xanh, xích lô, và quán cà phê Mai - nơi ông thường bàn luận về nghệ thuật và vẽ các phác hoạ trong khi nhấm nháp cà phê đặc.

Hoạ sĩ Việt Hải kể : vào những năm 50, trong một buổi họp phê và tự phê,Bùi Xuân Phái đã nói : "Tôi nghĩ là tôi có tài". Câu nói đó đã gây ấn tượng cho Việt Hải. Về sau Việt Hải có nhắc lại câu đó và hỏi : "Nếu bây giờ phải tự nhận xét về mình ông sẽ nói thế nào ?" Bùi Xuân Phái trả lời : "Tôi ngờ là tôi có tài".

Cũng như các họa sĩ đích thực khác, ông luôn cảm thấy rõ tính chất "nghiệp" hơn là tính chất "nghề" của nghệ thuật. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông phải làm nhiều việc khác ngoài vẽ để sinh nhai như dạy học, minh hoạ báo, vẽ thiết kế cho các đoàn kịch... song bất cứ ở đâu, ông cũng ưu tiên cho hội họa. Với những quan điểm thực tế hơn là một ý tưởng viển vông, ông mong không nên để Nghệ sĩ nghèo khổ quá lâu, mong có sơn dầu tốt, tấm toan lành để vẽ và có xưởng vẽ bề bộn. Khi những thứ tưởng chừng bình thường đó cũng không dễ có thì ông tự nhủ và nhắc các hoạ sĩ tối thiểu cần có một cây bút chì, một tờ giấy bất kỳ và luôn vẽ bằng đầu. Trong sáng tạo nghệ thuật ông luôn dành thời gian cho sự quan sát tự nhiên, ghi chép cẩn thận và đầy đủ, nắm bắt thực tế rồi vượt qua nó, khái quát và trừu tượng hóa nó, để nâng một hiình ảnh thị giác lên đến mức ý tuởng.

Nghệ thuật là gì ? là điều ông luôn trăn trở. Hàng trăm điều ông viết dường như không dòng nào không liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến nghệ thuật. Bằng cách này hay cách khác, ông phát hiện ra những giá trị giả của nghệ thuật, những hội hoạ "moderne" xu thời, sự quá tay của vài hoạ sĩ tỏ ra lão luyện, dùng nhiều xảo thuật trong nghệ thuật. Ông liên tục quan sát tự nghiên, so sánh nó với cách thể hiện, thường xuyên xem tranh tìm chỗ thái quá bất cập của đồng nghiệp để tự rút kinh nghiệm cho mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét