Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Truyền thống văn hoá ẩm thực ( theo Nguyễn Du Tử - Gia đình - Xã hội)

Bây giờ thì đã có khá nhiều địa danh đã thuộc về các quận nội thành (chủ yếu là quận Hai Bà Trưng), nhưng trước đây, toàn bộ vùng đất nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, ở phần cuối thấp dần theo chiều tây bắc - đông nam của Hà Nội đều thuộc địa giới huyện Thanh Trì. Sông Hồng ở phía đông, sông Nhuệ ở phía tây, sông Kim Ngưu ở phía bắc, ở giữa có sông Tô, sông Sét, sông Lừ - vùng đất gọi là Thanh Trì thuở ấy tạo thành một "tứ giác nước" của vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Có lẽ vì vùng đất ấy có ưu thế về nước - vốn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp - nên ở Thanh Trì, những giống cây trồng, vật nuôi được chọn lọc qua nhiều đời, hợp với thuỷ thổ nơi đây tạo nên phong vị riêng, là nguyên liệu để tạo nên những nét đặc sắc trong truyền thống văn hoá ẩm thực:

Lủ Trung gạo trắng nước trong
Ai về Kẻ Lủ thong dong con người
Muốn ăn chiêm quýt, mùa ri (2 loại gạo ngon)
Ðem con mà gả nhân nghì Huỳnh Cung(thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp)
Rau muống Ðồng Lầm, cá rô Ðầm Sét
Thanh Trì có bánh cuốn ngon, có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng
Ớt cay là ớt Định Công
Nhãn ngon là loại nhãn lồng làng Quang (Thanh Liệt)

Người "sành" ẩm thực chắc khó có thể quên được những món đặc sản nổi tiếng gắn liền với những địa danh của vùng đất này: làng Thanh Trì làm bánh cuốn; làng Mai Ðộng làm đậu phụ; làng yên Ngưu nấu rượu; làng Tứ Kỳ làm bún; làng Lủ (Kim Lũ) làm kẹo; làng Tương Mai nấu xôi lúa; làng Pháp Vân nấu bún ốc; làng Tó (Tả Thanh Oai) làm miến, bánh đa; làng Quỳnh Lôi có mướp hương; làng Hoàng Mai có cà pháo; làng Bằng, làng Quang (Thanh Liệt) có vải, nhãn, dưa; làng Ðịnh Công có ớt; cửa ô Ðông Lầm (Kim Liên ngày nay) có rau muống; Ðầm Sét (Thịnh Liệt), Yên Sở (Yên Duyên-Mui và Sở Thượng-Lờ) có cá rô, cá chép...

(trích)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét